Lịch Sử Thú Vị Của Tết Trung Thu

Lịch Sử Thú Vị Của Tết Trung Thu

Thứ Tư 23/08/2023

Ở phương Tây, những ngày lễ như Giao thừa, Giáng Sinh, hay lễ Tạ Ơn... là dịp để đoàn tụ gia đình và gặp gỡ bạn bè. Mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp và cùng thưởng thức các loại mỹ vị cao lương. 

 

Lễ hội Trăng Rằm

Các ngày lễ lớn ở phương Đông cũng chung bầu không khí ấm áp như vậy. Lễ hội lớn nhất là Tết Nguyên Đán. Tại Việt Nam cũng như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Mông Cổ, đây là dịp "tống cựu nghênh tân", đón chào năm mới. 

Lễ hội lớn thứ hai là dịp mừng trăng tròn và sáng nhất mùa Thu - ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm mà dân gian hay gọi là Tết Trung Thu hoặc hội Trăng Rằm. Ở phương Tây, đây là ngày trăng tròn gần nhất với Thu Phân, được gọi là Harvest Moon.

Tết Trung Thu có nguồn gốc từ rất xa xưa với những ghi chép sớm nhất từ thời nhà Chu cách nay khoảng 3000 năm. Suốt chiều dài lịch sử, các vị hoàng đế Trung Hoa đều cử hành nghi lễ tế bái trang trọng vào dịp lễ hội này để cầu chúc cho bách tính sang năm tới được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Truyền thuyết về Hằng Nga

Dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết liên quan đến mặt trăng, trong đó nổi tiếng nhất là "Thường Nga bôn nguyệt" (Hằng Nga lên cung trăng). Truyện kể rằng, Hằng Nga cùng chồng là Hậu Nghệ có được thuốc trường sinh bất lão. Nhưng rồi một sự cố đáng tiếc xảy ra khiến chỉ riêng Hằng Nga uống được tiên dược. Sau khi uống, nàng nhẹ nhàng phiêu đãng bay lên, từ đó ngụ tại cung Quảng Hàn trên mặt trăng, vĩnh viễn chia lìa với người chồng nơi trần thế.

 

Hằng Nga và Thỏ Ngọc

 

May mắn thay, Hằng Nga luôn có Thỏ Ngọc ở bên bầu bạn. Truyện xưa kể có ba vị Thần Tiên muốn thử lòng cáo, khỉ, và thỏ. Các vị Thần bèn biến thành những người ăn mày đến chỗ ba con vật xin thức ăn. Cáo và khỉ dù có rất nhiều lương thực nhưng đều từ chối chia sẻ dù chỉ một chút. Còn thỏ mặc dù không có gì nhưng lại vô tư nhảy vào lửa, hy sinh thân mình để làm đồ ăn cho người hành khất. Chúng Thần vô cùng cảm động đã ban cho thỏ được trường sinh bất tử. Từ đó, Thỏ Ngọc ở trên cung Trăng làm bạn với chị Hằng.

 

Câu chuyện triều Đường

Tương truyền, Hoàng đế Huyền Tông thời nhà Đường (618-907 SCN) là một bậc tu Đạo. Ông từng có cuộc hành trình kỳ diệu lên thăm Nguyệt cung, tận mắt thấy những kỳ quan cõi tiên cảnh mà người bình thường khó có thể tưởng tượng được. Khi trở về, Hoàng đế cho cử hành các nghi lễ long trọng mừng tiết Trung Thu, và quần chúng cũng từ đó học theo. Nhanh chóng thành thông lệ, hằng năm cứ vào ngày này, quan, quân, thương lái, và thường dân lại tổ chức ăn mừng, ca hát, nhảy múa, và tất nhiên không thể thiếu hoạt động ngắm trăng rằm.

Mặt trăng cũng là đề tài trong một tác phẩm trứ danh đời Đường - thi phẩm "Tĩnh Dạ Tứ" (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch:

Tĩnh Dạ Tứ
Lý Bạch (701-762)


"Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch thơ:

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

(Bản dịch thơ của Tương Như, in trong ""Thơ Đường"", tập 2)"

 

Bản gốc tiếng Trung:
"靜夜思
李白
床前明月光
疑是地上霜
舉頭望明月
低頭思故鄉"

 

Bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu có vỏ ngoài tròn bao lấy nhân bánh ở bên trong. Nguyên liệu làm nhân truyền thống gồm có hạt sen và bột đậu đỏ. Các loại nhân thịnh hành hiện nay là lòng đỏ trứng muối, mứt dứa, sung ướp, và các nguyên liệu khác. Bánh Trung Thu đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong mỗi mùa hội Trăng Rằm.

 

Hình ảnh bánh Trung Thu

 

Bánh Trung Thu có nguồn gốc từ triều Nguyên (1279-1368) - khi bộ tộc Mông Cổ thống trị Trung Nguyên. Vào một năm nọ, những người Hán trung thành với nhà Tống trước kia đã cất giấu các mẩu tin liên lạc vào trong bánh Trung Thu, thông qua đó phát động cuộc nổi dậy chống lại tầng lớp thống trị người Mông Cổ. Đây có lẽ là loại "nhân bánh" sáng tạo nhất trong lịch sử. Sau đó, cuộc khởi nghĩa thành công đã dẫn đến việc thay triều đổi đại, mở ra thời kỳ huy hoàng của nhà Minh.

 

Tết Trung Thu ngày nay

Như vậy, Tết Trung Thu đã được truyền thừa qua nhiều thời đại lịch sử và có tập tục vô cùng phong phú. Đây là dịp mọi người cùng chúc nhau "phong thu mãn nguyệt" (trăng tròn đầy, mùa bội thu), là ước vọng du ngoạn Nguyệt cung, là thời khắc thả hồn lên cung Trăng thăm chị Hằng và Thỏ Ngọc, là phút giây hoài cổ về Hoàng đế Huyền Tông hay 'Thi Tiên' Lý Bạch, và là ngày thưởng thức chiếc bánh 'bảo vệ nước nhà' của tiền nhân. Đây cũng là dịp chúng ta lại cùng nhau hân hoan ngắm vầng trăng tròn đầy, vằng vặc chiếu sáng khắp không gian. Và cho dù đó là gì đi nữa, thì chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ mỗi độ Trăng Rằm!

 

Evan Mantyk

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Công ty cổ phần Legend Lacasta
Hotline
TP. Hà Nội
popup

Số lượng:

Tổng tiền: